Các ngân hàng sẽ đồng loạt giảm lãi suất

“Các ngân hàng thương mại cổ phần lớn sẽ công bố chương trình giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn”, thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu trước các doanh nghiệp.

Tại Hội nghị Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp sáng nay 29/4, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng công bố: “Sau cuộc họp ngày hôm nay, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn sẽ công bố chương trình giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn.

Ông Hưng cho biết thời gian tới đây sẽ mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, ổn định bền vững kinh tế vĩ mô,

Trong phần phát biểu của mình, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cũng cam kết, BIDV sẽ giảm lãi suất cho vay tối đa trung và dài hạn không quá 10% bắt đầu ngay ngày mai.

Ông Hà còn đề xuất 2 nội dung: Về chính sách, chúng ta phải tuân thủ tinh thần Hiến pháp và các FTA. Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, không ban hành thông tư.

Ông Hà yêu cầu cần có cơ chế giám sát và chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ thực thi, nhất là các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp (DN). Ngoài ra, cần nhanh chóng ban hành các luật Luật Phá sản; thực thi Nghị quyết 19, và phải có tiếng nói kiểm chứng từ DN…

“Tôi cho rằng cơ chế chính sách thì phải đạt thông lệ chuẩn mực quốc tế, đáp ứng các FTA. Chúng ta có khoảng trống về pháp lý nên gây khó khăn cho DN. Tôi kiến nghị dưới luật chỉ có 1 nghị định, không có thông tư. Xử lý mạnh mẽ những cán bộ nhũng nhiễu”, ông Hà kiến nghị

Ông Hà cũng điểm qua tương quan so sánh tín dụng giữa Việt Nam với các nước ASEAN, và kiến nghị NHNN tiết giảm dự trữ bắt buộc đối với VNĐ và ngoại tệ, đẩy mạnh đầu tư vốn cho các dự án PPP…

Theo đó, vị này cho rằng, hiện nguồn vốn tín dụng vẫn là kênh quan trọng tăng trưởng kinh tế, nên điều chỉnh dự trữ thanh khoản, dự trữ bắt buộc ở 1% với VND và 3% ngoại tệ, đồng thời điều chỉnh giảm tỷ lệ phát hành trái phiếu chính phủ là 10%. Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh cơ chế tái cấp vốn và cấp bù lãi suất, việc sửa đổi Thông tư 36 cũng cần có lộ trình.

Về xử lý nợ xấu, ông Hà cũng góp ý nội dung tạo lập thị trường mua bán nợ; nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng; phát hành trái phiếu hàng hóa đối với hai chủng loại xi măng và sắt thép cho các tỉnh đặc biệt khó khăn; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính…

“Tôi rất mong muốn điều hành kinh tế đất nước như một dàn nhạc, mà trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ ngành là nhạc công và DN chúng tôi là ca sĩ. Tôi hy vọng trong những năm tới chúng ta sẽ phối hợp nhuần nhuyễn để chơi một bản nhạc bất hủ”, Chủ tịch Trần Bắc Hà kết thúc phần phát biểu của mình.

“Phê bình” phần phát biểu quá giờ của người đứng đầu BIDV, nhưng Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh cam kết của vị này về việc giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, thay mặt cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc báo cáo tình hình hoạt động của DN, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trước thềm hội nghị này, VCCI đã có báo cáo gần 200 trang về thực trạng và giải pháp kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành. Theo đó, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN.

VCCI thay mặt cộng đồng DN đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng theo định hướng chính sách đó, có hai việc cần làm ngay, là phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN.

Việc thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.

Đồng thời, cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối DN, trong đó khuyến khích kết nối khu vực DN trong nước với các FDI thay vì chỉ tập trung vận động thu hút đầu tư FDI như hiện nay…

Nhóm PV