Kinh tế thế giới nhìn từ thùng dầu

Dầu không chỉ là một loại nhiên liệu. Sức mạnh của loại nhiên liệu này thậm chí còn lớn hơn cả thị trường dầu mỏ trị giá 3.400 tỷ USD.

Dầu là một loại vũ khí, một tài sản chiến lược và trong một số trường hợp còn là một tai họa. Người ta có thể giàu có nhờ dầu mỏ nhưng cũng có thể lụn bại vì dầu. Tất cả những yếu tố này đều tác động đến giá dầu. Kết hợp tất cả những đặc tính trên, chúng ta có một thị trường không giống bất cứ thị trường hàng hóa nào khác, một thị trường phản ánh rất nhiều điều về kinh tế và chính trị thế giới.

Vì sao giá dầu giảm mạnh?

Sau 4 năm lập đỉnh cao nhất trong lịch sử bất chấp các biến động kinh tế, giá dầu đã giảm mạnh vào giữa năm 2014. Hồi tháng 6, giá của loại nhiên liệu này vẫn lập kỷ lục 107,73 USD/thùng dù cho người dân Mỹ và châu Âu sử dụng ngày càng nhiều xe hơi tiết kiệm nhiên liệu khiến nhu cầu về xăng (sản phẩm tác động lớn nhất đến nhu cầu về dầu) giảm mạnh. Trong khi đó, lượng cung dầu mỏ tăng cao nhờ sự phát triển của các công nghệ mới như khoan nước sâu và kỹ thuật thủy lực bẻ gãy (fracking).

Các yếu tố cơ bản dẫn đến đà giảm của giá dầu bắt đầu xuất hiện từ mùa hè, khi Trung Quốc giảm nhập khẩu, châu Âu đứng bên bờ một cuộc suy thoái khác và nền kinh tế Mỹ mạnh lên khiến những thùng dầu có giá niêm yết bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn.

Thay vì đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung bằng cách giảm lượng khai khác, các nhà xuất khẩu dầu ở Trung Đông tham gia vào một cuộc chiến về giá để bảo vệ thị phần. Các nguồn cung dầu mới như các giếng dầu ở Canada và đá phiến ở Mỹ khiến sức mạnh của nhóm OPEC sụt giảm đáng kể. Arab Saudi bắt đầu nổi lên trên thị trường trong bối cảnh các đối thủ lớn như Nga và Iran bị tổn thương vì giá dầu thấp và còn bị cấm vận. Giá dầu rẻ cũng giúp các nhà sản xuất dầu ở nước này cạnh tranh tốt hơn so với Mỹ, nơi có giá thành sản xất cao hơn. Giữa tháng 10, giá giảm sâu, có lúc xuống dưới 80 USD/thùng – ngưỡng mà các giàn khoan dầu ở Bắc Dakota và Texas có thể kiếm được lợi nhuận.

Thị trường luôn bị thao túng

Trong suốt thời kỳ giữa thế kỷ 20, một nhóm tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong ngành dầu khí có tên gọi Seven Sisters (tạm dịch: 7 chị em, trong đó có Exxon Mobil, Chevron và BP) đã thống trị thị trường. Kiểm soát từng thùng dầu từ tận giếng khoan cho tới những bồn xăng, họ chủ yếu giao dịch với nhau dựa trên các điều khoản bí mật.

Đến năm 1960, các nước có trữ lượng dầu lớn giành quyền kiểm soát với sự ra đời của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nhóm này sử dụng quyền lực từ dầu mỏ để đạt được các mục đích kinh tế và chính trị, gây sốc cho kinh tế toàn cầu với các lệnh cấm vận năm 1973 và 1979.

Trong những năm 1980, những đấu đá trong nội bộ OPEC, sự xuất hiện của các nhà cung cấp mới và sự phát triển của thị trường tương lai giúp giá cả trên thị trường dầu mỏ có nhiều hơn các yếu tố thị trường.

Hiện nay, có hai chỉ số chính trên thị trường dầu mỏ thế giới. Đầu tiên là giá dầu thô biển Bắc. Chỉ số này có ưu điểm là ổn định chính trị nhưng gần đây đã bị ảnh hưởng bởi xu hướng sụt giảm sản lương. Chỉ số còn lại là giá dầu ngọt nhẹ – West Texas Intermediate – WTI, loại dầu thô có chất lượng rất cao, ngọt, nhẹ thường được đưa đến trung tâm lọc dầu Cushing, Oklahoma (Bắc Mỹ).

Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) vừa triệu tập một số lãnh đạo của Shell, BP và các công ty lớn khác để điều tra về khả năng hai chỉ số giá tham chiếu này bị thao túng.

Dầu sẽ “rẻ như bèo” ?

Trong khi thế giới đẩy mạnh công nghiệp hóa và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, mỗi thùng dầu đều có giá cao hơn so với trước đây do những giếng dầu dễ khai thác nhất đều đã được khai thác cạn kiệt. Lập luận này dẫn đến một lý thuyết có tên gọi “dầu ở trên đỉnh” cho rằng hoạt động khai thác dầu khí trên thế giới cuối cùng sẽ đạt đỉnh và sau đó sụt giảm khi nguồn tài nguyên này cạn kiệt.

Tuy nhiên, những người hoài nghi về lý thuyết này chỉ ra rằng những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp các nhà sản xuất Mỹ “mở khóa” nguồn tài nguyên dồi dào khác có chi phí thăm dò khai thác lớn hơn. Và, vấn đề ở đây không phải là sản lượng mà là giá thành.

Một biến số khác ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ thế giới là lực cầu. Lực cầu yếu ớt của năm 2014 làm dấy lên câu hỏi về tương lai của dầu mỏ bởi người tiêu dùng ngày càng sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn và chuyển sang các loại năng lượng thay thế.

Dầu mỏ chiếm 31% tổng lượng năng lượng mà toàn thế giới tiêu thụ trong năm 2012, giảm mạnh so với mức 46% của năm 1973. Sẽ có một ngày dầu rẻ như bèo” vì người ta không cần đến nó nữa. Đó là lập luận của một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính gây ra bởi “bong bóng carbon”. Quả bong bóng này sẽ chứa đầy những công ty năng lượng bị thổi phồng giá trị.

 

Thu Hương

Theo InfoNet/Bloomberg