Vào năm 2008, có thời kỳ giá dầu đã vượt ngưỡng 135USD/thùng, tại thời điểm đó nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục tăng và có khả năng lên tới 200 USD trong thời gian tới. Chính phủ các nước đặc biệt là Mỹ liên tục kêu gọi các nước sản xuất dầu tăng sản lượng để hạ nhiệt thị trường. Tuy nhiên, Hiệp hội các nước sản xuất dầu OPEC cho rằng giá dầu tăng không phải do nguồn cung không đủ mà do đầu cơ và đồng đô-la mất giá. Tổng thư ký của OPEC, Abdullah al-Badri cho rằng “Dù có tăng sản lượng, giá dầu vẫn sẽ không giảm”.
Cũng tại thời điểm đó, người đứng đầu cơ quan năng lượng Libya – Shokri Ghanem cũng nhận định rằng, mức giá 135 USD hay 200 USD đều thực sự phi lý tuy nhiên, khi giá đã lên tới 135 USD thì hoàn toàn có thể đạt mức 200 USD.
Với giá dầu cao “phi lý” như thế, các nước hưởng lợi nhiều nhất là Nga, Ả Rập Saudi, Venezuela, Nigeria, Iraq đây là một vài trong số những nước có nguồn thu chính là từ xuất khẩu dầu. Và khi giá dầu tuột dốc “không thắng” thì cũng chính những nước này bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Hình ảnh tương lai không sáng sủa của các nước phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu
Điển hình là Nga, trong thời gian từ 1999-2008, kinh tế Nga tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm, một phần nhờ giá dầu và khí đốt, hai mặt hàng xuất khẩu chính của nước này, tăng cao. Nguồn thu từ dầu khí đã giúp ông Putin củng cố quyền lực trong nước và thể hiện sức mạnh Nga trên trường quốc tế. Bởi thế, sự mất mát tài sản của Nga cũng đe dọa đảo lộn trật tự địa chính trị của thế giới. Cũng không loại trừ khả năng Putin sẽ bị mất cả “ghế”. Giá dầu sụt giảm trong vòng một năm qua đã làm lộ ra những lỗ hổng lớn trong nền móng kinh tế Nga: năng suất suy giảm, lực lượng lao động co hẹp, các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh kém, khu vực kinh tế tư nhân bị kinh tế quốc doanh kìm hãm. IMF hiện đặt mức dự báo tăng trưởng dài hạn đối với kinh tế Nga là 1,5%, nhưng Ông Anders Aslund, chuyên gia về Nga thuộc Atlantic Council ở Washington, đưa ra mức dự báo tăng 1% – mức tăng trưởng đáng lo ngại đối với một nền kinh tế nơi mức sống của người dân mới chỉ bằng khoảng 40% mức sống của người Mỹ. Theo tờ tin tức phố Wall, Nga khởi động không kích Syria chính là muốn thông qua cách thức của mình để đẩy giá dầu tăng lên. Đây cũng chính là nguyên nhân để thúc đẩy Nga không kích tại Trung Đông. Chưa dừng lại ở đó, Nga đang phải nghĩ đến điều tồi tệ hơn, là khi giá dầu sẽ còn tiếp tục xuống thấp hơn nữa. Theo CNN, quan chức tài chính hàng đầu của Nga Anton Siluanov cho biết chính phủ Nga đã chuẩn bị mọi tình huống để đối phó với việc giá dầu giảm sâu hơn vào năm 2016 khi lượng dư thừa dầu vẫn đang gia tăng và nguồn cung mới từ các nước như Iran đổ vào thị trường. “Có thể thấy giá dầu thấp sẽ thống trị trong năm tới, ở một giai đoạn nào đó, giá dầu sẽ giảm xuống còn 30 USD/ thùng. Vì vậy, chúng tôi phải chuẩn bị cho thời điểm khó khăn”, ông Siluanov cho biết. Điều này sẽ khiến Nga chịu thiệt hại bởi lẽ xuất khẩu khí gas và dầu chiếm gần một nửa doanh thu của chính phủ. Vào ngày 14.12, giá dầu thô tương lai giao dịch ở mức thấp nhất trong gần 7 năm, giảm xuống còn 35 USD/ thùng và Nga đang chuẩn bị ứng phó với bối cảnh giá dầu giảm về 30 USD/thùng. Nga cũng đang lên kế hoạch cho giá dầu giao dịch ở mức 40-60 USD/thùng trong 7 năm tới. Ngân sách năm 2016 của Nga sẽ căn cứ vào giá dầu ở mức 50 USD. Nga đang dự đoán thâm hụt ngân sách tăng 3% trong GDP năm 2016. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 3,8% trong năm nay và 0,6% năm 2016. Trong khi đó, đồng rúp của Nga lại đang trượt giá tiếp ở mức 70,5 rúp/USD, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Nga đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ quyết định giữ nguyên sản lượng dầu của OPEC trong cuộc họp ngày 4.12 vừa qua. Hiện nay Nga, Venezuela, Nigeria và các nước sản xuất dầu mỏ khác vẫn đang phối hợp cùng nhau cố gắng tìm giải pháp cắt giảm sản lượng để nâng mức giá lên cao hơn. Nước tiếp theo là Venezuela, dùng tiền làm giấy ăn, trộm không muốn lấy đồng Bolivar đã cho thấy tờ tiền của Venezuela đã rớt giá thảm hại. Là một quốc gia phụ thuộc 95% thu nhập từ dầu mỏ, Venezuela gặp nhiều khó khăn khi giá dầu giảm 60% từ giữa năm ngoái đến nay. Chính phủ Venezuela vẫn khăng khăng giữ tỷ giá chính thức ở mức 6,3 Bolivar đổi 1 USD. Cách đây một năm, trong khi tỷ giá trên “chợ đen” ở Venezuela là 1 USD đổi 100 Bolivar. Hiện nay, đồng nội tệ mất giá còn 1 USD đổi hơn 700 Bolivar. Mức sụt giá hằng tháng của đồng tiền Venezuela là 10% kể từ giữa năm 2012. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, tức trải qua 53 tháng, bolivar chỉ có 10 lần tăng giá trị so với USD. Thực tế cho thấy người dân tại Venezuela đang phải vật lộn vì lạm phát tăng cao, hàng hóa thiếu hụt khiến giá cả của những mặt hàng nhu yếu phẩm đang ngày một đắt lên. Không khó để thấy cảnh người dân nước này xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để được mua thịt gà, đường, thuốc và các mặt hàng cần thiết khác. Hiện nay, chỉ có một thứ duy nhất người dân Venezuela không phải lo về giá cả là xăng, vốn đang ở mức rẻ nhất thế giới. Người dân ở đây đổ xăng gần như miễn phí. Venezuela đang gánh chịu khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, với tốc độ tăng trưởng năm nay dự báo -9,1%, Barclays cho biết. Tốc độ suy giảm kinh tế của nước này có thể lên tới -16,5% trong giai đoạn 2014- 2016, trong khi lạm phát thời kỳ này lên tới 1000%, Barclays viết trong một báo cáo tới khách hàng. “Thật không thể hiểu được tại sao chính phủ Caracas lại không phản ứng gì trước thực trạng này. Tại sao họ không áp dụng những biện pháp đơn giản nhất để hạn chế khủng hoảng. Thu nhập cũng như cuộc sống của người dân ở Venezuela đang bị hủy diệt,”, Barclays cho hay. Theo ngân hàng này, tổng thống Nicolas Maduro gần như sẽ không đưa ra bất cứ (Tiếp theo trang 1) thay đổi nào trong chính sách kinh tế trước cuộc bầu cử quốc hội vào cuối năm nay. Với tỉ lệ ủng hộ đối với đảng cánh tả cầm quyền ở mức 19%, đất nước này đang bị chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị, trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ này đang phải vật lộn với giá dầu ở mức thấp trong một năm qua. “Một vị tổng thống yếu kém biết rõ rằng sẽ mất chức trong thời gian tới sẽ khó có khả năng đưa ra những chính sách hợp lý. Chuyển giao chế độ chính trị ở Venezuela là điều gần như không tránh khỏi.”, Barclays cho biết. Thay vì áp dụng các chính sách cũng như biện pháp tài chính, chính phủ Caracas đang bán tất cả những tài khoản lỏng của đất nước nhằm trả nợ nước ngoài và duy trì hệ thống tỉ giá hối đoái “thiếu hiệu quả ở mức trầm trọng”. “Tất cả các phe cánh chính trị dường như chỉ nghĩ cho lợi ích trước mắt. Không có một sự bảo đảm rõ ràng về những gì họ sẽ làm sau cuộc bầu cử. Do vậy tương lai của quốc gia này trong năm 2016 rất ảm đạm.”, Barclays viết.
Vì sao giá dầu giảm ?
Hiện nay nhiều đồn đoán đã bắt đầu xuất hiện về việc giá dầu giảm mạnh, giới phân tích cho rằng giá dầu giảm là một mưu đồ chính trị, chứ không phải chỉ là vấn đề kinh tế như nhiều người đã đề cập trước đó. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, việc giảm giá dầu đã được hoạch định bởi các lực lượng chính trị. Theo đó, nhiều nhà phân tích nhận định rằng hiện nay, Mỹ và Saudi Arabia đang lặp lại việc thực hiện của một thỏa thuận bí mật giữa Tổng thống Mỹ và Quốc Vương Saudi Arabia vào năm 1984 về việc giảm giá dầu trên thị trường thế giới. Mục đích chính của thỏa thuận nêu trên là nhằm làm tan rã Liên Xô. Và việc khởi động lại thỏa thuận đó vừa được tiến hành cuối tháng 8/2014. Tháng 3/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Riyadh trong một nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc Vương Saudi Arabia tiến hành các bước để làm giảm mạnh giá dầu. Để thực hiện kế hoạch này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp của Saudi Arabia đã có nhiều cuộc gặp gỡ và thảo luận chi tiết. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), người từng làm việc tại Riyadh trong nhiều năm, cũng tích cực tham gia phác họa và triển khai kế hoạch. Việc thực hiện đầy đủ kế hoạch được tiến hành sau cuộc họp tại thành phố Jeddah (Saudi Arabia) vào ngày 12/9 giữa Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Saudi Arabia. Ngay lập tức, giá dầu đã bắt đầu giảm dần trong mùa hè 2014 và sau đó giảm mạnh trong thời gian gần đây. Cho đến hiện nay, chưa ai có thể khẳng định mục đích chính của việc giảm giá dầu, là để làm sụp đổ một chính quyền nào đó. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế khiến các quốc gia đang phụ thuộc vào giá dầu đang gặp bất ổn là sự thật.