Có lúc dầu Brent đã lên đến gần 49 USD/thùng.
Giấc mơ 10 năm về giá dầu của Tổng thống Putin sắp trở thành hiện thực
Giá dầu mỏ xuống thấp kỷ lục: “Người giàu cũng khóc”!
Đã đến lúc mơ về mức giá 50 USD cho mỗi thùng dầu?
Mặc dù sản lượng dầu khai thác tại Trung Đông vẫn có dấu hiệu tăng, song đồng USD suy yếu, sản lượng ở một số nơi giảm cộng với tình hình lạc quan của các nhà đầu tư đã hậu thuẫn giá dầu thô kỳ hạn tăng gần 80% so với mức thấp trong tháng 1/2016 trong ngày giao dịch cuối tuần 29/4.
Vào lúc 13h35 GMT ngày 29/4, giá dầu thô kỳ hạn Brent trên thị trường London tăng 21 cent lên 48,35 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ tăng 66 cent lên 46,69 USD/thùng – cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tháng 4/2016 trở thành tháng giá dầu tăng nhiều nhất trong 7 năm qua.
Việc đồng USD giảm giá 6% so với các ngoại tệ khác trong giỏ tiền tệ quốc tế đã góp phần hỗ trợ giá dầu bởi giá dầu thô được định giá bằng USD.
Sản lượng dầu giảm ở các nước sản xuất ngoài OPEC như Mỹ đã làm nhen nhóm hy vọng rằng giai đoạn dư cung tồi tệ nhất sẽ sớm qua đi. Ngoài ra, theo tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia, sản lượng dầu khai thác của Venezuela (vốn là thành viên OPEC) có thể giảm vì quốc gia này cạn kiệt kinh phí để duy trì các giàn khoan dầu hoạt động.
Ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ) nhận định thị trường đang trở lại “thế cân bằng hơn” và nguồn cung có thể giảm trong sáu tháng cuối năm nay.
Song các nhà phân tích khác khuyến cáo rằng giá dầu tăng quá nhanh chủ yếu do các nhà đầu tư đầu cơ mua dầu vào. Ông Hamza Khan, chiến lược gia cấp cao về hàng hoá của ngân hàng ING, cho biết: “Vấn đề nằm ở chỗ giá dầu hồi phục không tương quan với các yếu tố nền tảng của thị trường như nguồn dự trữ vẫn cao và sản lượng vẫn đang tăng lên.
Ông Eugen Weigenberg, nhà phân tích thuộc ngân hàng Commerzbank tại Frankfurt, nhận xét: “Thị trường vẫn tràn ngập dầu nên sự hồi phục này không thể kéo dài”.
Sản lượng vẫn ở mức cao kỷ lục
Theo kết quả điều tra của hãng tin Reuters, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 4/2016 đã tăng lên gần mức cao kỷ lục là 32,64 triệu thùng/ngày, so với mức 32,47 triệu thùng/ngày của tháng 3/2016. Nguyên nhân là do sản lượng khai thác của Iran và Iraq tăng mạnh. Con số này gần bằng mức khai thác 32,65 triệu thùng/ngày đạt trong tháng 1/2016.
Trong tháng 4/2016, Iran đã có mức sản lượng dầu khai thác tăng nhiều nhất bởi nước này muốn giành lại thị phần đã mất sau khi lệnh cấm vận của phương Tây được dỡ bỏ. Theo số liệu của Reuters, sản lượng dầu khai thác của Iran đạt 3,40 triệu thùng/ngày, xấp xỉ mức 3,50 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2011, thời điểm trước khi phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, một phần dầu thô trong con số sản lượng này có thể là từ nguồn dự trữ.
Trong nhóm OPEC, Kuwait là nước có sản lượng dầu giảm nhiều nhất trong tháng 4/2016 do cuộc bãi công kéo dài ba ngày của các công nhân dầu mỏ. Ngoài ra, sản lượng của Nigeria cũng giảm do đường ống dẫn dầu đến trạm Forcados bị hỏng và công việc sửa chữa đường ống này kéo dài đến tháng 6.
Những vấn đề liên quan đến chuyên chở, mất điện… khiến nguồn cung cấp dầu của Venezuela giảm 40.000 thùng/ngày và đe doạ hoạt động khai thác dầu của nước này trong tương lai.
Sản lượng dầu OPEC đă tăng kể từ năm 2014 khi nhóm này bỏ bê sứ mệnh lịch sử của mình trong việc cắt giảm nguồn cung để vực dậy giá dầu suy giảm.
OPEC sẽ nhóm họp lại tại thủ đô Viên (Áo) vào ngày 2/6 để thảo luận về một đề xướng bình ổn sản lượng. Tuy nhiên, được khích lệ bởi xu hướng giá dầu tăng gần đây, chưa chắc các nhà lãnh đạo OPEC thấy phải khẩn thiết nỗ lực đưa ra một thoả thuận bình ổn sản lượng nào mới.
Xuân Hương
Theo Trí thức trẻ/Reuters