Người giàu khoái đất, dân nghèo thích giữ vàng
Người Mỹ thu nhập thấp thích mua vàng và dưới góc độ tâm lý, vàng là kênh đầu tư thể hiện sự bi quan của nhà đầu tư – Ảnh: Bloomberg View
Cơ quan thăm dò dư luận danh tiếng nước Mỹ Gallup Poll vừa công bố kết quả cuộc khảo sát về lựa chọn các kênh đầu tư của dân Mỹ: người giàu thích mua bất động sản, trong khi người nghèo lại muốn giữ vàng.
Các kênh trú ẩn tài sản được Gallup Poll đưa ra gồm có bất động sản, cổ phiếu, quỹ tương hỗ, vàng, tài khoản tiết kiệm hay trái phiếu chính phủ. Kết quả khảo sát không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là tư liệu cho các nhà tâm lý học nghiên cứu về nhận thức con người, hệ thống niềm tin và ý thức hệ.
Giới nghiên cứu đã xác định đượchai điều thú vị. Thứ nhất, con người thường không thực sự biết rõ mình muốn gì. Thứ hai, khảo sát tiết lộ một số yếu tố về tinh thần của người Mỹ, với những khác biệt văn hóa về quan niệm của người giàu và người nghèo thông qua chọn lựa kênh đầu tư dài hạn.
Người Mỹ có thu nhập cao nhiều khả năng chọn bất động sản và chứng khoán là kênh đầu tư tối ưu, có thể họ dựa vào kinh nghiệm bản thân đối với các loại hình này. 87% trong số họ đều sở hữu nhà riêng, trong khi chỉ có 66% người có thu nhập trung bình và 36% người thu nhập thấp có nhà. Gallup chỉ ra rằng có 33% chủ nhà và 24% người thuê nhà cho rằng bất động sản là lựa chọn tốt nhất để đầu tư dài hạn.
Còn dân Mỹ thu nhập thấp – những người đang sống trong các hộ gia đình có thu nhập dưới 30.000 USD/năm – nhiều khả năng sẽ chọn vàng để đầu tư lâu dài (31%). Trong khi chỉ có 18% người Mỹ có thu nhập cao chọn kim loại quý này.
Các lựa chọn đầu tư khác nhau thể hiện mức độ rủi ro và sinh lãi khác nhau, được đúc kết theo chiều lịch sử. Tiền gửi tiết kiệm và trái phiếu từ xưa đã là kênh an toàn nhưng không sinh lợi cao và người Mỹ không coi đó là kênh đầu tư tốt nhất. Trong khi đó dù chứng khoán có thể dễ bay hơi nhưng lại có khả năng sinh lợi “khủng” và họ cho đó là lựa chọn đầu tư tốt nhất. |
Không khó để giải thích điều này. Mua và đầu tư bất động sản đòi hỏi một số yêu cầu: thu nhập ổn định, tiền tiết kiệm đủ để hạ giá thanh toán và tín dụng phù hợp. Nhưng nó cũng phản ánh niềm tin vào tính hợp pháp trong luật lệ tài sản địa phương và hệ thống luật pháp, rằng họ cảm thấy an tâm với tài sản đó và không ai có thể chiếm đoạt một cách trái phép.
Tương tự với cổ phiếu, đầu tư vào chứng khoán phản ánh niềm tin lâu dài rằng Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Cổ phiếu được định nghĩa là loại tài sản mang tính lạc quan.
Điều đáng chú ý là việc mở một doanh nghiệp không chỉ yêu cầu về tiền vốn, mà còn là đòi hỏi sự lạc quan vượt khỏi niềm hi vọng thành công về mặt kinh tế. Đó là niềm tin về hành lang pháp lý, hệ thống kinh tế và chính phủ hiện tại.
Dưới góc độ tâm lý thì vàng là loại tiền tệ trong thảm họa. Vàng phản ánh một hàng rào chống lại sự sụp đổ của trật tự hiện có. Nói cách khác, vàng là một kênh đầu tư bi quan.
Người Mỹ trẻ, từ 18-29 tuổi, lựa chọn cả 4 loại hình đầu tư dài hạn: bất động sản, chứng khoán, vàng và tiền gửi tiết kiệm với tỉ lệ đều nhau. Tuy nhiên, tỉ lệ người trẻ chọn tiền gửi tiết kiệm cao hơn hẳn so với tỉ lệ người lớn tuổi hơn chọn cách này.
Nguyên nhân, phần lớn dân Mỹ trẻ đang ngày càng trở nên độc lập về tài chính, trong bối cảnh thị trường nhà và chứng khoán dễ bay hơi.
Theo Ch. Luân
Tuổi Trẻ